,
Cập nhật lúc 15:56, Friday, 06/11/2009

"Lỗ hổng" y tế học đường: Bao giờ lấp đầy


(QNg) - Gần đây dịch cúm A/H1N1 đã "hoành hành" tại nhiều trường học của tỉnh ta đã gây ra nhiều bàn cãi về sự thiếu hụt cũng như sự bất cập của  kênh y tế học đường trong công tác phát hiện và phòng bệnh ban đầu cho học sinh. "Lỗ hổng" y tế học đường sẽ được lấp đầy theo Thông tư liên tịch số 35 của Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Nội vụ, nhưng cho đến nay tỉnh ta vẫn loay hoay khi thực hiện thông tư này.

Chưa thu hút được nhân lực
Theo thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo, toàn tỉnh có 498 trường học từ bậc mầm non đến THPT và có khoảng 40% trường học có cán bộ y tế học đường (TP.Quảng Ngãi 100% trường học có phòng y tế và nhân viên y tế).  Điển hình như 43 trường học của huyện Sơn Hà đều không có phòng y tế. Trường mầm non của huyện Sơn Hà có biên chế chính thức cho nhân viên y tế, nhưng cũng chưa có CBYT làm việc. Kể cả các trường đạt chuẩn quốc gia mặc dù đã quy định phải trang bị đầy đủ về y tế (phòng y tế, giường bệnh, đủ các cơ số thuốc) và phải có nhân viên y tế học đường, nhưng nhiều trường đạt chuẩn vẫn  thiếu nhân viên y tế. Tình trạng thiếu cán bộ y tế được nhiều trường học "khắc phục" bằng cách giao cho cán bộ, giáo viên của trường kiêm nhiệm; thậm chí có nơi còn giao cho bảo vệ nhà trường phụ trách (tất nhiên là không được đào tạo chuyên môn).

 
Dịch cúm A/H1N1 đã bùng phát tại nhiều trường học đã cho thấy sự bất cập trong công tác y  tế học đường.
Dịch cúm A/H1N1 đã bùng phát tại nhiều trường học đã cho thấy sự bất cập trong công tác y tế học đường.
Ở một số trường lực lượng này lại do cán bộ chữ thập đỏ kiêm nhiệm (cán bộ chữ thập đỏ chỉ biết 5 kĩ thuật sơ cấp cứu, khi học sinh bị tai nạn họ có thể sơ cứu ban đầu, sau đó đưa đến trạm y tế gần nhất, trường hợp các em bị bệnh đột xuất thì đành chịu). Số lượng cán bộ y tế (CBYT) chuyên trách làm công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe cho học sinh ở các trường học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi làm việc với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, Ban giám hiệu nhà trường đều cho rằng: Chế độ đãi ngộ thấp, đa số CBYT học đường chỉ hưởng lương hợp đồng 9 tháng trong năm học, mức lương này còn tùy thuộc vào mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện của học sinh.
 
 
Hầu như các trường đều sử dụng 30% nguồn thu từ bảo hiểm y tế để chi trả cho các nhân viên y tế hợp đồng (số tiền này phải được dùng để chi cho trang thiết bị y tế học đường của nhà trường); nguồn thu này không ổn định  cho việc chi trả lương cho CBYT. Do "bấp bênh" như vậy, nên nhiều CBYT học đường có xu hướng tìm công việc ổn định hơn. Vì vậy có nhiều trường hợp CBYT nghỉ ngang khi họ xin được việc khác. Điều đáng nói nữa là, cán bộ y tế học đường kiêm nhiệm không được hưởng chế độ phụ cấp, nên nhiều người cảm thấy bị thiệt thòi, trách nhiệm của họ đối với công việc không cao...

Chưa có sự quan tâm đúng mức
Ngoài thành phố Quảng Ngãi thì  hệ thống y tế học đường ở các huyện còn rất nghèo nàn; thậm chí nhiều trường không có phòng y tế, hoặc chỉ có một tủ thuốc nhỏ với vài cuộn bông băng, vài chai thuốc đỏ, dầu nóng, cùng hai ba lọ thuốc đơn giản. Công việc của nhân viên y tế chỉ là cấp phát thuốc (chủ yếu là thuốc sơ, cấp cứu), vệ sinh băng bó những vết xây xát ngoài da cho học sinh khi xảy ra sự cố; đưa học sinh đi bệnh viện hoặc báo cho gia đình đến đón khi học sinh ốm nặng... Cũng vì coi nhẹ công tác này, nên trong đại dịch cúm A/H1N1, y tế học đường vốn đã thiếu lại yếu, phải loay hoay "chống trả" và hậu quả là "bó tay" trong hoạt động giám sát các ca bệnh, khi phát hiện và báo cáo với cơ quan y tế thì đã có số lượng rất lớn ca bệnh nghi nhiễm. Dịch cúm A/H1N1 đang có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời nhiều loại dịch bệnh khác vẫn luôn "tìm dịp" bùng phát như cúm mùa, sốt xuất huyết... Vì vậy việc phòng bệnh, phát hiện và chữa trị bệnh ngay từ đầu là quan trọng. Trong đó, công tác chăm sóc sức khỏe trong nhà trường phải luôn được đặt lên hàng đầu (bởi trường học là môi trường thuận lợi để dịch bệnh bùng phát mạnh).

Cần có chính sách thỏa đáng
Theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23 tháng 8 năm 2006 của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó nhất thiết phải có định mức biên chế nhân viên y tế trong trường học. Công tác Y tế học đường là một khâu quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh ở các trường học; đã được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Song cho đến nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn “loay hoay” với thông tư này.
 
Cùng với chính sách như hiện nay, nhất là quy định về trình độ phải đạt từ trung cấp trở lên, không có phụ cấp gì khác, cùng với các dịch vụ y tế tư nhân mở ra với mức lương cao hơn hẳn, cộng với điều kiện làm việc thỏa mãn được chuyên môn của CBYT so với việc công tác tại trường học, thì xem ra việc thu hút và giữ chân CBYT luôn là “bài toán khó” cho nhiều trường học. Thiết nghĩ đã đến lúc các ngành chức năng cần thực hiện tốt quy định hiện hành, đồng thời cũng ban hành những chính sách thỏa đáng, nhằm lấp đầy "lỗ hổng" y tế học đường như hiện nay, tránh tình trạng thừa nhân lực bên ngoài nhưng không tuyển dụng được…
 
*Ông Huỳnh Hậu - cán bộ phụ trách y tế học đường (Sở GD-ĐT):
Do vẫn còn nhiều bất cập trong chế độ ưu đãi đối với CBYT học đường, nên rất khó lôi kéo được nhân lực tham gia công tác lâu dài cho trường học. Vì vậy tỉnh ta mới chỉ thực hiện được một phần thông tư này. Đáng nói hơn là từ nhiều năm nay các lớp tập huấn cho CBYT học đường nhằm nâng cao nghiệp vụ không được tổ chức. Nguyên nhân chính là do các trường không có CBYT để cử đi học. Để có được đội ngũ CBYT học đường có đầy đủ các chuyên môn là việc rất khó và cấp bách, cần được sự quan tâm hơn từ các bộ, ngành có liên quan đối với sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.

*Ông Lý Minh Phụng - Phó phòng Giáo dục huyện Sơn Tịnh:

Toàn huyện Sơn Tịnh có 70 trường từ bậc mầm non đến THCS, (chỉ có 19 trường đạt chuẩn quốc gia là có phòng y tế). Tuy nhiên 19 trường này đều do giáo viên của trường kiêm nhiệm, chứ không có nhân viên y tế chính thức. Sự lúng túng trong việc phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 tại các trường trên địa bàn huyện đã nói lên tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường trong công tác phát hiện và sàng lọc bệnh ban đầu tại nhà trường. Mong muốn của phòng giáo dục huyện cũng như của tất cả các trường là Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT về biên chế nhân viên y tế chính thức cho mỗi trường học sớm được thực hiện.

*Ông Lâm Tín - Phó hiệu trưởng trường THPT Tư Nghĩa 1:
Hiện nay nhà trường có một phòng y tế riêng (rộng 12m2 với 1 tủ thuốc và 2 giường nằm) phục vụ cho sơ cứu ban đầu, nhưng không có nhân viên y tế. Trước đây trường có hợp đồng ngắn hạn (theo học kì) với một nhân viên y tế, nhưng hiện tại nhân viên y tế đã nghỉ làm, vì họ mới tìm được việc mới. Do không có biên chế cho nhân viên y tế trường học, nên trường rất khó khăn trong việc tìm nhân viên y tế, chế độ cho họ cũng không cao, nên không có ai nộp hồ sơ xin việc. Trong khi nhu cầu của nhà trường về nhân viên y tế hiện nay rất cấp bách.

* Chị Đặng Thị Thanh Thủy - cán bộ y tế của Trường tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi):
Tôi làm nhân viên y tế tại Trường tiểu học Trần Phú tính đến nay đã được 13 năm. Những năm trước, hằng năm tôi phải kí hợp đồng với nhà trường, thu nhập thấp và ít chế độ đãi ngộ. Nhưng đến đầu năm nay tôi được nhận vào biên chế chính thức, thu nhập đã ổn định nên tôi yên tâm trong công việc hơn. Tuy nhiên nhiều đồng nghiệp của tôi còn bị thiệt thòi, mong rằng các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ y tế học đường để họ yên tâm công tác và hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
 
 T.THUẬN - X.HIẾU
http://baoquangngai.com.vn/channel/2034/200911/Lo-hong-y-te-hoc-duong-Bao-gio-lap-day-1914280/
,
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
,
,
,