Thực hiện miễn giảm thủy lợi phí: Mỗi nơi một kiểu
Miễn giảm thủy lợi phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho nông dân sản xuất vươn lên xoá đói giảm nghèo. Thế nhưng khi thực hiện chính sách này trong tỉnh lại thực hiện mỗi nơi một kiểu, gây thắc mắc trong dân…
Nơi thu thủy lợi phí, nơi không...
Thực hiện Nghị định 143 của Chính phủ, năm 2008 tỉnh ta triển khai công tác miễn thủy lợi phí cho nông dân hưởng lợi từ những công trình thủy lợi thuộc ngân sách Nhà nước đầu tư. Qua quá trình thực hiện, có nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế, nên Chính phủ tiếp tục ra Nghị định 115 sửa đổi bổ sung một số điều còn bất cập.
![]() |
Ở các huyện miền núi việc tưới tiêu bằng nguồn nước từ đập bổi, đập tạm, ao, hồ. |
Theo đó trong năm 2009, những công trình thuộc ngân sách Nhà nước và công trình do dân đóng góp xây dựng gồm: đập dâng, đập bổi, trạm bơm, hồ chứa nước... thì người dân đều được miễn thủy lợi phí. Nhiều nông dân nghe Chính phủ ban hành nghị định này vui mừng lắm, vì được miễn thủy lợi phí đồng nghĩa với hạt gạo của nông dân làm ra đỡ phải cõng thêm một nguồn chi phí và trong mỗi bồ thóc của các gia đình sau mỗi vụ thu hoạch thóc sẽ đầy hơn.
Ông Trương Văn Hiền- Chủ nhiệm HTXNN Bình Thanh Đông (Bình Sơn), cho biết: HTX quản lý 8 hồ đập, trong đó có hai hồ (Gia Hội và đập Bà Dồ) thuộc công trình xây dựng của Nhà nước. Thực hiện miễn giảm thủy lợi phí cho dân, trong năm 2008 và vụ đông xuân năm 2009, HTX không thu thủy lợi phí của bà con. Bà con phấn khởi lắm, nhưng nghiệt nỗi, địa phương không có nguồn kinh phí để chi cho người quản lý hồ và dẫn nước vào ruộng. Đây là một thực tế đáng lo ngại. Và để không xảy ra chuyện “mạnh ai nấy lấy nước”, tranh dành, mâu thuẫn giữa các nông dân trên mỗi cánh đồng và làm ảnh hưởng đến sản xuất, HTX đành hợp đồng với người quản lý hồ, người dẫn thủy vào ruộng, kinh phí chi trả cho họ sẽ tính sau.
Tại xã Tịnh Châu (Sơn Tịnh) mặc dù công tác miễn thủy lợi phí đã triển khai hơn 1 năm, nhưng địa phương vẫn thu thủy lợi phí của nông dân. Ông Đặng Thanh Thuận - Chủ nhiệm HTXNN Tịnh Châu cho biết: HTX quản lý 3 trạm bơm tưới cho khoảng 60 ha ở những cánh đồng xã Tịnh Châu, nhưng ở mỗi trạm thu thủy lợi phí với mức khác nhau. 2 trạm bơm ở thôn Lệ Thủy thu 40kg/sào/năm; riêng trạm bơm Kim Lộc thu 65 kg/sào/năm (vì ở đây địa hình khó khăn hơn nên bơm nước phải tốn dầu nhiều hơn).
Nếu với mức thu hiện nay (khi Nhà nước có chủ trương miễn thủy lợi phí) so với trước đây thì nông dân Tịnh Châu đóng thủy lợi phí chẳng có gì thay đổi; hay nói cách khác là chủ trương thì có, mà dân không được hưởng. Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao Nhà nước đã miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân, mà địa phương vẫn còn thu thủy lợi phí thu được, ông Thuận lý giải: "Trạm bơm hoạt động bằng xăng, dầu nên tiền chi trả lớn. Do HTX không nhận được kinh phí hỗ trợ, nên phải thu tiền của dân để hoạt động, chứ biết làm sao?".
Chuyện thu thủy lợi phí ở mỗi địa phương khác nhau xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, gây thắc mắc trong dân...
Đâu là nguyên nhân?
Có một thực tế là, khi Nghị định 143 của Chính Phủ ban hành về miễn giảm thủy lợi phí các địa phương chưa kịp triển khai, thì Chính phủ lại ban hành tiếp Nghị định 115 bổ sung và thay thế những bất hợp lý từ nghị định trước, nên nhiều địa phương rơi vào cảnh bị động trong tổ chức thực hiện.
![]() |
Đập Gia Hội, xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn) được nằm trong diện miễn thủy lợi phí, nhưng gần 2 năm qua, xã cũng chưa có nguồn kinh phí để tu sửa, chống rò rỉ thất thoát nước ở đập. |
Tuy vậy, một vấn đề quan trọng là Chính phủ ban hành nghị định về miễn thủy lợi phí thì phải cân đối ngân sách để các đơn vị chủ quản có điều kiện mua xăng, dầu cấp cho các trạm bơm hoặc tu sửa các công trình thủy lợi thay thế khoản thu thủy lợi phí trước đây. Nhưng việc cấp kinh phí quá chậm, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị quản lý thủy lợi phí.
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Trong năm 2008 thực hiện Nghị định 143, Công ty đã quản lý và khai thác 11 trạm bơm, 14 đập dâng, 16 hồ chứa và 630 km kênh chính, với tổng diện tích tưới tiêu 33.795 ha, được cấp bù miễn thủy lợi phí 9,5 tỷ đồng. Nhưng thực chất Công ty cần nguồn để hoạt động, vừa tưới tiêu vừa cấp nước cho công nghiệp (lên đến 19,5 tỷ đồng). Ngoài số tiền Nhà nước cấp bù 9,5 tỷ đồng thì Công ty thu 1,5 tỷ đồng từ việc cấp nước cho các khu công nghiệp; số tiền còn lại Công ty thiếu đến hơn 8 tỷ đồng để hoạt động. Vì thiếu nguồn kinh phí nên rất khó khăn trong việc duy tu bảo dưỡng công trình, mua xăng dầu cấp cho các trạm bơm hoạt động. Trong năm 2009 thực hiện Nghị định 115, Công ty được cấp bù miễn thủy lợi phí hơn 16 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ nhận được 4,5 tỷ đồng, đã gây khó khăn cho hoạt động của Công ty TNHH một thành viên khai thác các công trình thủy lợi.
Mặt khác, việc triển khai công tác cấp bù miễn thủy lợi phí ở các huyện miền núi cũng lắm nhiêu khê. Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Tơ: Khi triển khai công tác cấp bù miễn thủy lợi phí cho dân, huyện tiến hành rà soát lại diện tích (mặc dù lâu nay các công trình thủy lợi thuộc địa phương nào thì huyện giao cho địa phương đó quản lý, nhưng thực tế công tác thủy nông ở các địa phương hầu như bỏ ngỏ). Đến khi rà soát những công trình thuộc ngân sách Nhà nước để thực hiện việc cấp bù kinh phí thì diện tích là 3.670 ha và chỉ thống kê (chưa đầy đủ) được 253 ha hưởng nước từ các công trình đập tạm, bán kiên cố. Còn việc cấp bù kinh phí sau khi triển khai miễn thủy lợi phí thì cũng quá chậm.
Trong năm 2008 huyện Ba Tơ rà soát 1.565 ha hưởng nước từ công trình kiên cố thuộc ngân sách Nhà nước. Và kinh phí cấp bù là 650 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 30 triệu đồng. Nguồn kinh phí này huyện dùng vào việc tu sửa kênh mương để chuẩn bị cho việc sản xuất vụ hè thu, chứ không thể phân bổ cho các xã lập các tổ quản lý thủy nông được.
Từ thực tế của các địa phương, các ngành chức năng, địa phương và nông dân cần xem lại cụ thể nội dung của các nghị định, để thực hiện cho đúng chủ trương của Chính phủ; tránh việc thực hiện mỗi nơi mỗi phách không đúng tinh thần của nghị định, gây bất bình trong nông dân.
Cần tập trung khắc phục tình trạng triển khai công tác miễn thủy lợi phí ở một số địa phương hạn chế, nhất là các huyện miền núi, dẫn đến việc thống kê không đầy đủ số liệu cần cấp bù miễn thủy lợi phí cho dân. Mặt khác theo Thông tư 26 và 36 của Bộ Tài chính tất cả các công trình thủy lợi đều phải thành lập tổ quản lý để dễ dàng triển khai công tác miễn thủy lợi phí. Thế nhưng, ở một số nơi chưa thành lập và một số nơi đã thành lập thì, năng lực quản lý còn bất cập, nên cần được quan tâm hơn.
Công ty hoạt động theo hình thức kinh doanh, có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng 41 công trình đập dâng, trạm bơm, hồ chứa và 630 km tuyến kênh xây dựng kiên cố, thuộc ngân sách của Nhà nước và thu thủy lợi phí. Thực hiện chủ trương miễn thủy lợi phí của Chính phủ, nhưng đến nay số tiền cấp bù Công ty vẫn chưa được nhận đầy đủ. Vì không có kinh phí, nên việc đầu tư kinh phí để duy tu, bảo dưỡng so với yêu cầu chưa cao. Hiện nay Công ty đã nợ bảo hiểm xã hội hơn 300 triệu đồng.
Miễn thủy lợi phí cho dân là niềm vui của huyện, bởi những năm qua đời sống của nông dân còn quá khó khăn. Nay có chủ trương, nhưng do chưa cấp đủ số tiền bù thủy lợi phí, nên địa phương không có nguồn kinh phí để hoạt động. Có nguồn kinh phí mới thành lập các tổ quản lý công trình thủy lợi. Điều này sẽ góp phần trong việc bảo vệ công trình và giúp nông dân chủ động nguồn nước, đẩy mạnh sản xuất trồng trọt...
Ở vùng đất này nông dân chỉ dựa vào cây lúa, mọi chi tiêu trong gia đình (chuyện ăn học cho các con cũng) chỉ vì hạt lúa. Trồng cây lúa chi phí cũng quá cao, việc miễn thủy lợi phí cho bà con đã đỡ bớt gánh nặng. Tuy vậy ở địa phương vẫn chưa nhận tiền hỗ trợ miễn thủy lợi phí. Vì thế cực chẳng đã lắm xã mới họp dân để thu thủy lợi phí (với mức 40.000 đồng/1.000 m2/2 vụ/năm). Mong tỉnh cấp kinh phí sớm, để dân được nhờ. |