Nuôi heo rừng lai: Một số kỹ thuật cần lưu ý
Trong số các trang trại chăn nuôi heo rừng lai thành công ở tỉnh ta, thì hộ ông Trần Độ, ở thôn Phước An, xã Đức Hoà (Mộ Đức) được đánh giá là trang trại nuôi heo rừng lai có quy mô và bài bản với diện tích rộng hơn 10 ha và số lượng vài trăm con.
![]() |
Trang trại nuôi heo rừng lai của ông Nguyễn Văn Mãnh, ở thôn Nam Bàn 1, xã Bình Nguyên (Bình Sơn). |
Không chỉ ông Độ, ông Nguyễn Văn Mãnh, ở thôn Nam Bàn 1, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) cũng mở trang trại nuôi heo rừng lai. Năm 2010, ông mua 8 con heo cái và 1 con đực. Sau 2 năm nuôi, đàn heo rừng lai của gia đình ông phát triển lên đến 200 con. Năm 2011, ông xuất bán khoảng 100 con heo thịt và heo giống. Heo giống ông bán với giá 220.000đ/kg hơi, heo thịt bán với giá 140.000đ/kg hơi. Trung bình 1 con heo rừng lai nuôi trong 1 năm đạt khoảng 30 kg hơi. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 2 triệu đồng/con/năm. Hiện tại trong trại heo của gia đình ông còn khoảng 150 con. Ông dự tính từ nay đến cuối năm, 7 con nái sẽ đẻ thêm khoảng 50 heo con nữa.
Ngoài ra, ở tỉnh ta còn nhiều trang trại nuôi heo rừng lai đạt hiệu quả kinh tế cao như trang trại của ông Đỗ Bảng ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ); ông Tiêu Tùng, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành)…
Có thể thấy rằng, nuôi heo rừng lai ngày càng được người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư vì nó mang lại lợi nhuận cao giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Tuy nhiên chăn nuôi như thế nào, chăm sóc ra sao thì không phải ai cũng biết rõ. Ông Bùi Duy Việt, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 10 hộ gia đình tham gia nuôi heo rừng lai. Trong đó, nhiều hộ đã nuôi thành công và vươn lên làm giàu, nhưng cũng có hộ bị thiệt hại về kinh tế do không nắm được các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi con vật này. Do đó, để chăn nuôi heo rừng lai đạt hiệu quả, bà con cần chú ý một số kỹ thuật sau:
Về chọn giống, bà con cần chú ý chọn mua heo ở những trại giống lớn, có uy tín. Con giống phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Về chuồng trại, chuồng được xây dựng đơn giản bằng gạch, có cửa chuồng, có mái che. Có thể xây theo kiểu hệ thống chuồng liền kề với các cửa thông nhau. Nên để một khoảng đất trống (có rào lưới chắc chắn) để thả heo con và để heo được sưởi nắng, diện tích tối thiểu là 4m2/con. Trong khoảng đất trống nên trồng thêm một số cây để tạo bóng mát cho heo. Trong chuồng nên có một hồ nước xây nghiêng để heo vào uống nước và dầm mình.
Về thức ăn, chủ yếu là thực vật, không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng vì nó sẽ làm cho chất lượng thịt của heo rừng bị biến đổi. Thức ăn gồm: Thức ăn xanh tươi (cây chuối, bẹ chuối, thân cây bắp non, rau muống, bèo tây, các loại cỏ, các loại quả xanh...), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại), muối khoáng (tro bếp, đất sét…). Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều, một heo rừng lai trưởng thành mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2-3kg thức ăn các loại.
Về phòng bệnh, heo rừng lai có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng thường bị một số bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh khác... Do đó cần phải tiêm phòng và định kỳ tẩy giun sán cho heo.
Bài, ảnh: Anh Khuê