Sự sống ở vùng đất bị xâm thực
(QNg)- Hàng chục năm nay, người dân Hành Phước (Nghĩa Hành) phải sống chung với nạn xâm thực do sông Vệ gây ra. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, sông Vệ đã "nuốt" đi hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn của người dân nơi đây. Việc xây dựng kè chống sạt lở là ước mơ bao đời của nhân dân ven sông Vệ nói chung và người dân xã Hành Phước nói riêng.
Theo chân anh Nguyễn Đăng Công- Cán bộ địa chính xã Hành Phước, chúng tôi có chuyến thực địa đến 5/9 thôn của xã có sông Vệ đi qua. Vừa trải qua một cơn lũ khiến nước sông Vệ chảy xiết dữ dội. Ngồi trên chiếc thuyền câu của anh Quang, chúng tôi không khỏi rùng mình khi trước mắt chúng tôi là cảnh sạt lở kinh hoàng, dòng nước đã cuốn đi tất cả những gì có thể, cả hàng tre, bụi chuối, hoa màu và đất sản xuất của người dân...Vừa chèo thuyền đưa chúng tôi đi dọc bờ sông, anh Quang chua xót: "Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lũ là sông Vệ lại "nuốt" đi một phần đất sản xuất của người dân. Đến tháng 11 vừa rồi, trải qua hai lần lũ lớn càng gây sạt lở nghiêm trọng hơn, có đoạn nước sông "ăn" vào đất sản xuất hàng chục mét".
![]() |
Mảnh đất tổ tiên cụ Liễu để lại đã bị nước lũ cuốn đi.. |
Lý giải về nguyên nhân sông Vệ gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn, ông Võ Công Thành- Chủ tịch UBND xã Hành Phước nói: Hai đợt lũ vừa qua nước chảy xiết gây sạt lở nặng. Một số đơn vị khai thác cát bên kia bờ sông thuộc xã Hành Thịnh đã khai thác cát "tùy tiện" làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Nếu các đơn vị khai thác một cách khoa học thì sẽ tạo dòng chảy thẳng giảm sạt lở cho người dân Hành Phước". Ông Công còn cho biết thêm, đợt lũ tháng 11 vừa qua, bờ sông bên xã Hành Phước bị sạt lở tổng chiều dài 3.700m gây thiệt hại cho 7ha hoa màu và làm sạt vách nhà anh Nguyễn Tấn Dũng ở thôn Hòa Sơn.
Trong đó thiệt hại nặng nề nhất là đoạn qua thôn An Chỉ Tây với chiều dài 1,5km. Chỉ vài cơn lũ nữa sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của 50 hộ dân trong thôn. Còn anh Công thì nhẩm tính: "Từ trận lũ lịch sử năm 1999 đến nay, sông Vệ đã "nuốt" đi khoảng hơn 100 ha đất sản xuất của nhân dân. Riêng đường giao thông liên xã đoạn qua thôn Hòa Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng. Nước sông đã xói mòn gần nửa lòng đường. Chính quyền địa phương đã kịp thời huy động nhân dân dùng bao cát và phên tre làm kè che chắn. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi nếu có những trận lũ như vừa rồi thì kè tạm bợ đó khó mà chống chọi lại với dòng nước lũ".
Chỉ tay ra "ụ" đất nằm giữa con sông, cụ ông Lê Văn Liễu (80 tuổi) chua xót: Đất của cụ nằm ở tận giữa con sông. Trước đây trên mảnh đất này gia đình cụ đã trồng nhiều loại rau màu mưu sinh nhưng giờ đã thành sông. Cụ Liễu nhẩm tính gia đình cụ chắc cũng bị sông Vệ nuốt hơn 6 sào đất. Giờ cụ Liễu cũng không biết mảnh đất vườn còn lại của mình sẽ "trụ lại" trong bao lâu nữa. "Trước đây tôi có thấy cán bộ về đo đạc trên mảnh đất gần mép sông nhưng đến nay vẫn chưa thấy thi công. Những người dân như chúng tôi chỉ mong sớm có một cái kè hay một giải pháp thiết thực nhằm hạn chế sạt lở đảm bảo dân sinh"- Cụ Liễu bộc bạch..
Còn cụ Nguyễn Đức Thọ, ở cùng thôn cũng đồng cảnh ngộ. Cả đời sống trên mảnh đất do tổ tiên để lại, cụ Thọ cũng chỉ có ước muốn giữ lại mảnh đất này cho con cháu mai sau. Thế nhưng nước lũ tàn khốc đã cuốn đi phần lớn diện tích đất vườn nhà cụ. Hiện dòng nước chỉ cách khu chăn nuôi nhà cụ Thọ chừng 1m. "Chính quyền địa phương đã quy hoạch khu tái định cư (TĐC). Thế nhưng hầu như không ai đến ở. Bởi lẽ đường giao thông vào khu TĐC rất xấu. Địa phương đã trình Chi Cục phát triển nông thôn xin dự án xây dựng đường nông thôn vào khu dân cư. Tuy nhiên khu TĐC thuộc đất gò đồi nên sẽ không có đất sản xuất đảm bảo đời sống của người dân"- anh Công thổ lộ.
"Trong các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi có đề nghị làm kè chống sạt lở ven sông nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Hai đợt lũ vừa qua đã gây sạt lở nặng nề nên cuối tháng 11/2011 chúng tôi có làm tờ trình gửi UBND huyện Nghĩa Hành cho xây dựng 1,5km kè chống sạt lở cho thôn An Chỉ Tây- nơi sạt lở nặng nhất"- Ông Thành cho biết. Thiết nghĩ việc xây kè chống sạt lở là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo dân sinh. Đó cũng là nguyện vọng hết sức chính đáng của những người dân bao đời lam lũ.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG