,
Cập nhật lúc 09:30, Thursday, 25/02/2010

Xuân này về làng đót Phổ Phong


(QNg) - Phổ Phong là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Đức Phổ, có diện tích tự nhiên hơn 4.500 ha, hơn 95% dân số sống bằng nông nghiệp. Những năm gần đây nhân dân địa phương đã thi đua phát triển sản xuất, chủ động đưa các ngành nghề  CN-TTCN và dịch vụ vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó mô hình sản xuất chổi đót thật sự mang lại hiệu quả, mở  ra hướng phát triển kinh tế mới địa phương từ hơn 10 năm trở lại đây.

Vui xuân mới kể chuyện cũ
Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, gia đình cô Trà Thị Cườm (ở KDC số 4 thôn Tân Phong) lại quây quần vui xuân đón tết cùng con cháu sau một năm  làm ăn. Với quy mô sản xuất hộ gia đình, hơn 25 năm qua cây đót đã góp phần thiện đời sống, tạo thu nhập giúp cô có điều kiện nuôi con ăn học. Năm qua với sự tập trung nỗ lực của tất cả các thành viên trong gia đình, nên thu nhập từ nghề đót cũng khá. Cô Cườm cho biết: Năm nào cũng vậy ngoài việc tổ chức mua đót, chổi thành phẩm của các trại sản xuất có quy mô lớn về sản xuất và bán lại kiếm lời, cứ tới tháng chạp hằng năm là chồng cô lại khăn gói vào Sài Gòn tìm mối tiêu thụ, nên thu nhập cũng được cải thiện.

Nhiều lúc hai vợ chồng cũng muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất, nhưng vay nhiều thì Ngân hàng không cho, còn vay nóng của tư nhân thì lãi suất cao quá, trong khi đó giá đót lại biến động theo từng thời điểm nên rất khó. Khác với cô Cườm, anh Trần Thanh Hải (ở thôn Vĩnh Xuân), có hơn 14 năm làm nghề sản xuất chổi đót, từng chứng kiến và trải qua nhiều sóng gió trong nghề. Giá nguyên liệu đót tăng mạnh những tháng giữa năm 2009 cũng đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của gia đình. Nhưng nhờ chủ động tìm kiếm thị trường, kết hợp cải tiến mẫu mã, nhất là biết tận dụng thị trường tết nên gia đình anh thu nhập khá. Chỉ tính riêng trong tháng giáp tết gia đình anh đã xuất bán vào thị trường các tỉnh miền Nam hơn 10 ngàn cây chổi. Còn với ông Nguyễn Thực (61 tuổi) ở thôn Vĩnh Xuân - một điển hình trong phong trào thi đua SXKDG của Hội CCB huyện Đức Phổ thì năm qua là một năm làm ăn khá trôi chảy, bởi sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập bình quân trong năm của gia đình ngót nghét gần 80 triệu đồng. Đặc biệt sau hơn 20 năm gắn bó và tích lũy kinh nghiệm từ nghề đót, năm 2009 vừa qua gia đình ông đã tậu được 2 chiếc xe tải loại 8 tấn, để phục vụ cho việc thu mua và chuyên chở chổi đót của gia đình và các cơ sở sản xuất khác ở địa phương vào các tỉnh miền Tây và sang cả thị trường Campuchia tiêu thụ. Ông Thực phấn khởi kể: để phục vụ nhu cầu thị trường tết thì ngoài việc tăng số lượng sản phẩm xuất bán, tết này hai chiếc xe tải của gia đình tôi hoạt động hết công suất, số lượng hàng chuyên chở ra vô liên tục.

Ước mơ đi lên cùng cây chổi.
Theo thống kê xã Phổ Phong hiện có hơn 400 cơ sở sản xuất chổi đót lớn nhỏ, nhưng chủ yếu tập trung ở địa bàn thôn Gia An và Vĩnh Xuân. Với việc phát triển mô hình này những năm qua, nghề đót đã trở thành "nghề phụ, thu chính" của nhiều hộ gia đình nơi đây. Nghề sản xuất chổi đót vừa là ước mơ, vừa là niềm trăn trở của người dân Phổ Phong về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, góp phần gắn kết tình nghĩa quê hương, tình làng xóm, níu chân những con người hành hương xa về với đất mẹ và cả những người dân đang sinh sống tại địa phương. Nghề đót làm thay đổi đáng kể diện mạo làng quê xã Phổ Phong, đặc biệt là địa bàn hai thôn Gia An và Vĩnh Xuân từ 10 năm trở lại đây, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.400 lao động địa phương mỗi năm.

Để duy trì và phát triển làng nghề, những năm qua chính quyền và các hội, đoàn thể xã Phổ Phong đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với NHCSXH huyện tạo điều kiện để nhiều hộ gia đình làm nghề được vay vốn phát triển sản xuất. Phần lớn trong số họ phải vay vốn thế chấp qua ngân hàng NN&PTNT hoặc vay tư nhân để làm ăn nên lãi suất hằng tháng rất cao. Nhiều hộ gia đình do không có khả năng trả lãi, đành phá sản. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm hiệu quả sản xuất chưa đạt như mong muốn. Bên cạnh những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, thì đa phần các cơ sở còn lại chủ yếu tập trung ở quy mô hộ gia đình, nên sản phẩm làm ra còn nhỏ giọt, manh mún. Nhà sản xuất chưa mặn mà lắm với việc đầu tư, nâng cao chất lượng mẫu mã nên sản phẩm chưa có sức cạnh tranh. Mặt khác do những năm gần đây giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm làm ra thấp, hơn nữa lại bị tư thương ép giá từ nhiều phía, dẫn đến nhà sản xuất chưa đạt được lợi nhuận tối đa.

Để Làng nghề chổi đót tiếp tục phát triển theo hướng bền vững thì ngoài sự nỗ lực và quyết tâm cao của nhà sản xuất, chính quyền xã Phổ Phong và các hộ sản xuất rất cần các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ hợp lý; mở rộng và kiểm soát giá cả thị trường, hạn chế đầu cơ và tư thương ép giá. Các cấp, ngành chức năng cần có kế hoạch đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; kêu gọi nhiều doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân bỏ vốn đầu tư để vừa nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, vừa hạ giá thành sản phẩm; đồng thời xây dựng và công nhận thương hiệu cho sản phẩm chổi đót Phổ Phong, góp phần nâng cao sức quảng bá sản phẩm ra thị trường...

  Hồng Sen
http://baoquangngai.com.vn/channel/2025/201002/Xuan-nay-ve-lang-dot-Pho-Phong-1930195/
,
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
,
SJC chuẩn bị sẵn sàng để ngưng giao dịch vàng miếng
Chiều 17.3, ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng lớn nhất, chiếm 90% thị phần của cả nước, cho biết: công ty tích cực chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngưng giao dịch vàng miếng khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng
,
,
,